October 17, 2013

Câu chuyện số 9- Giận dỗi

Không mở bài nữa, viết luôn

Có một trò chơi thuộc dạng kinh điển về nhân quyền của trại hè, là trò Boat game. Mỗi người sẽ là một nhân vật có hoàn cảnh sướng khổ éo le khác nhau, và ít nhiều liên quan tới lợi ích số đông. Ví dụ một ông đầu bếp biết nấu ăn nhưng lại bị cụt chân, thuyền trưởng biết lái tàu nhưng lại bị bệnh hiểm nghèo, hay đơn giản là một bà bầu với hai sinh mạng. Sau mỗi một biến cố, mọi người trên tàu sẽ phải tự đấu tranh bảo vệ mình và quyết định ai là người bị vứt khỏi thuyền, tức là chết. Qua đó các em hiểu về sự đối xử khác nhau với những người khuyết tật, người già, người bị nhiễm HIV... trong xã hội.

Trò này đơn giản nhưng khi chơi hăng tiết vịt lên là ối chuyện xảy ra, vì cảm giác bị mọi người chọn mình là người chết kế tiếp, rồi đấu tranh trong vô vọng, rất dễ gây xúc động mạnh về sự thua cuộc. Như chuyện của mình và em K.



Hôm đó, mình có vai trò là facilitator- thông báo các biến cố, quan sát, thúc đẩy nếu cần thiết. K. bốc thăm phải làm Justin Bieber. Bốc xong em thở dài cái thượt: "Thế là chết đầu tiên rồi". Và đúng là sau biến cố thứ nhất, ai cũng chọn Bieber sẽ chết đầu tiên vì nó là cái thằng chỉ biết hát. Nhưng mình không muốn lối mòn như vậy nên gợi ý cho K. về sự nổi tiếng của Bieber, thế là K. đưa ra một loạt lý do như nổi tiếng, có tiền, và đb là có đội crazy fan hùng hậu sẽ trả thù nếu biết có ai ném cậu ý xuống biển :-P Thấy thuyền ngồi im re, chắc sợ bị trả thù nên bắt đầu chĩa sang phía người khuyết tật (khổ thân :( ). Cuối cùng, người khuyết tật chết thật, K. rất hớn hở vì lật ngược được thế cờ.

Và thế là càng máu, bạn ấy bắt đầu nhận ra được sự yếu thế của các bạn khác, và lần lượt đầu bếp và người lái tàu đều bị rơi tòm xuống biển. Và mình quyết định can thiệp khi cả thuyền chĩa vào người phụ nữ có bầu- một bạn gái Mông Cổ khá nhát. K. lúc này vẫn rất hăng và không ai dám động vào, mình phải lên tiếng bảo vệ rồi nói Bieber sẽ là người tiếp theo. K. khá bất ngờ vì tưởng mình ủng hộ bạn. Bạn lại đưa ra lý lẽ trả thù, cô gái có bầu kia thì ngồi ôm bụng im re (mình bắt nhét quả bóng vào cho giống :-)). Rồi mình bảo: "Chúng tôi vẫn quyết định thả bạn xuống, vì khi về được đến nơi, chúng tôi sẽ nói là Bieber bị tai nạn, cả thuyền đã cố gắng hết sức nhưng ko thể cứu". K. cố gắng giữ bình tĩnh và nói "như vậy, mọi người sẽ trở thành những kẻ dối trá". Mình tiếp luôn: "chẳng ai ngoài bạn biết sự thật, nhưng lúc đó bạn chết rồi nên tất cả, cả fan của bạn, sẽ tin chúng tôi". Cả thuyền thấy hợp lý, nhao nhao lên và cuối cùng thì Bieber chết thật. Bên bàn bên này, cô gái có bầu cười tít cả mắt, thì bàn bên kia, anh Bieber đã bắt đầu chảy nước mắt, hic.

Phải mở ngoặc là K. là một em bé rất tự tin, bạo dạn, nhưng bị hiếu thắng, máu ăn thua và hay khóc nhè. Nhất là khóc trước mặt các bạn thì thôi rồi, chắc hẳn chú bé phải tức mình kinh khủng lắm. Và thế là xổ ra một tràng rằng chị không có vai trò gì trên thuyền hết, nhiệm vụ của chị chỉ là đọc biến cố thôi, chị không công bằng và chị không nên nói gì hết... vừa nói vừa nghẹn trong nước mắt, ánh mắt trong veo màu xanh ngọc bích hàng ngày bỗng đỏ ngầu và nhìn mình tức giận. Nói thật là mình cũng hơi rợn vì rất sợ ánh mắt của người Tây, cảm giác họ không đấm đá chân tay bao giờ nên bao nhiêu căm thù là dồn hết lên đôi mắt. Nói xong K. bỏ ra ngoài. Mình phải cố giữ bình tĩnh để không thể hiện bất kì cảm xúc nào, vẫn tiếp tục trò chơi cho đến cuối. 

Đến khi cần cả nhóm phải debriefing, mình bèn đi ra ngoài tìm K., lúc này mắt vẫn còn đỏ hoe, ngồi kể lể bức xúc với 1 bạn cùng đoàn. Mình chỉ nói ngắn gọn là đến giờ cả nhóm phải vào và yêu cầu cả hai bạn vào. Đoạn này mình khá bất ngờ, vì đã chuẩn bị tâm lý cho một thái độ vùng vằng, hờn dỗi của trẻ em Việt Nam (ngày xưa mình cũng thế). Trái lại, các bạn tự giác đứng dậy đi vào (like). Khi cả nhóm ngồi lại, mình cho phép bạn nói những gì bạn nghĩ, và mình cũng nói những gì mình nghĩ, rằng nhiệm vụ của mình cũng là thúc đẩy, và giúp đỡ những người đang yếu thế hơn, như là khi mình đã giúp bạn khỏi chết ở lần đầu tiên. Màn debriefing kết thúc khá êm xuôi, nhưng có vẻ là vẫn chưa ổn.

Đến lúc đó mình mới thấy buồn, bản chất vốn hiền lành chất phác nên bị ai hiểu lầm hay ghét là buồn ghê lắm :D Tìm gặp chị S., leader của K., chị bảo K. vẫn rất giận và chưa hiểu ra vấn đề. Mình bảo dù có thế nào mình sẽ không xin lỗi vì đó không phải lỗi của mình. Chị S. đồng ý. 

Mấy ngày sau đó, mình vẫn tỏ ra bình thường nhưng K. có tránh mình, dù qua thái độ thì mình hiểu bạn cũng đã quên đi phần nào và cũng nhờ chị S. can thiệp nữa. Rồi, chị S. gợi ý nên làm gì đó để tỏ thiện chí. Mình bèn mua một phong kẹo và viết một chiếc thiệp nhỏ (nhất quyết không xin lỗi ^^) thả vào hòm thư và còn lãng mạn kèm dòng chữ "nếu em đồng ý xí xóa thì chạy ra ôm chị nhé"- cho nó tương tác, không lại một mình mình thiện chí cũng mất độ kiêu ^^. Thế là đầu giờ chiều bạn ý chạy ra, mồm nhồm nhoàm kẹo, ôm mình thật chặt và nói lời xin lỗi. Rất vui.

Câu chuyện có happy ending này chỉ là một trong vô vàn những xích mích mà các leader có thể gặp phải ở trại với những thanh niên mới lớn. Mình được nghe những câu chuyện còn kinh khủng hơn, thậm chí hết trại vẫn chưa giải quyết được xung đột. Nhưng công nhận là cũng đáng nhớ, đúng hem?


Ảnh: Vì cái trò hay để dép lung tung nên chị Ý có ý tưởng treo hết cả giày lại giấu ở đằng xa, cho chừa cái thói. Ý tưởng thì hay nhưng thực hiện thì thâu rầu :-))

No comments:

Post a Comment