September 12, 2018

Nội trợ (2)- Tiết kiệm

Một người nội trợ giỏi, theo mình, không chỉ là làm tốt, mà còn biết suy nghĩ, điều chỉnh, tận dụng, để tiết kiệm tối đa tiền và nguồn lực, mà vẫn hiệu quả. 

1. Sức máy hơn sức người
Câu chuyện này là học từ chị U.. Hồi chị mới làm nhà, chị đã xác định đầu tư một khoản rất lớn vào các thiết bị gia dụng hiện đại, ví dụ như lò sưởi dưới sàn nhà toả lên, máy rửa bát, máy hút bụi thay chổi, máy lau nhà, các dụng cụ nấu bếp đơn giản như nồi áp suất, máy nướng mini... Mục đích là để giải phóng sức lao động tay chân, và quan trọng nhất, là có thêm thời gian cho các con. Mình chưa cảm nhận được thật rõ điều này cho đến khi đến nhà chị chơi. Mùa đông nhưng trẻ con trong nhà vẫn áo ngắn- quần cộc- chân không đi tất chạy khắp nhà, vì đi đến đâu cũng có lò sưởi từ dưới sàn hắt lên khắp nhà, bố mẹ không sợ các con bị cảm lạnh. Hai vợ chồng chị đi làm về nấu cơm xong trong có 30-45 phút. Sau bữa ăn tối, bố mẹ chỉ cần nhanh chóng cho bát đĩa vào máy rửa bát, hút bụi sơ qua sàn, nếu bẩn thì cho chế độ lau nhà rất nhanh trong 2 phút là sạch, và thế là tểnh tênh cả nhà lên chơi board game hoặc học bài cùng nhau. Đúng 8 rưỡi tối các em bé đi ngủ, bố mẹ có thời gian cho riêng mình. Chỉ là mấy tiếng đồng hồ thôi nhưng rất quý giá bởi trẻ con rất cần bố mẹ quan tâm, và bố mẹ cũng cần nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Nếu một gia đình thiếu đi những thiết bị nói trên thì, nói cho dễ hình dung, sẽ như scenario ở Việt Nam: Bố mẹ đi làm về, mẹ (nếu may mắn thì thêm cả bố) sẽ phải hùng hục thổi cơm, hùng hục cho ăn, xong lại hùng hục rửa bát, dọn rửa, đến khi xong việc ngẩng lên thì đã đến giờ đi ngủ của các con. Hoặc là thuê một chị giúp việc làm tất cả những việc trên, thì tự dưng lại bất tiện có thêm một người không phải trong gia đình (mà option này ko work khi ở nước ngoài, trừ nhà cực giàu, nên thôi ko relate lắm :D). 

Túm lại là trong thời kì hiện đại rồi, được khen là người phụ nữ tần tảo suốt ngày cắm mặt trong bếp chắc chắn không sướng bằng được khen là người phụ nữ thông minh biết sử dụng công cụ để việc nhà vẫn xong mà vẫn nhàn tênh :D 

PS: Cơ mà vẫn phải tính toán, không máy làm cho mình xong mình lại phải đi rửa máy thì cũng quá tội. Hoặc lạm dụng quá, trong nhà có quá nhiều đồ máy móc lắt nhắt thừa thãi thì mình cũng rất ghét. 

2. Tính toán để tiết kiệm
Một lợi ích nữa của dùng máy là tiết kiệm nước và điện vì máy làm được hiệu quả hơn con người. Ngày xưa đọc bài báo nào chứng minh rửa bát bằng máy sạch, tiết kiệm nước, và tiết kiệm cả xà phòng hơn rửa bát bằng tay. Nhưng tất nhiên là với điều kiện phải full capacity, chứ không phải trường hợp một hai cái bát bẩn đã thả vào máy cho chạy, hoặc cho máy giặt đôi ba cái quần lót. Vậy, mấu chốt lại nằm ở việc phải tính toán và chọn lọc.

Học được ở chị G. việc lên lịch phân loại và lên lịch giặt rất khoa học. Không phải cái gì bẩn cũng giặt ngay, mà phải chờ đủ mẻ mới giặt. Phân loại quần áo theo hai màu trắng đen thì là đương nhiên, xếp lịch sao cho các con có đủ quần áo đi học cho ngày mới cũng là một sự tính toán. Các loại khăn ở bếp dầu mỡ phải giặt riêng một mẻ hàng tuần, các loại thảm phòng khách một mẻ nhưng không cần gấp, vài tuần dồn lại giặt cũng được. Mỗi mẻ lại một chương trình riêng, làm như thế mới tiết kiệm và hiệu quả. Ở nhà cô mình (vì đông người quá) và chủ nhà cũ của mình bên Pháp (vì ít người quá) đều không lên lịch, hậu quả là quần áo với giẻ lau bếp giặt chung, mình cứ tưởng tượng cái giẻ lau bàn bếp dầu mỡ giặt cùng cái áo phông là ớn cả người. Mẹ chồng mình thì bỏ hai cái áo trắng vào quay giặt, chương trình có 10 phút thôi, nhưng mình cũng không đồng tình vì thấy quá lãng phí. Mình đã góp ý cho cả ba trường hợp nhưng đều không thay đổi được nên mình chỉ biết tự note vào cho bản thân và quyết tâm sẽ thực hiện khi ra ở riêng. 

Một điển hình của việc phải chọn lọc là chiếc máy sấy quần áo, thứ mà maybe ở nước nồm ẩm như Việt Nam thì rất tiện dụng, nhưng ở châu Âu thì mình nghĩ là thừa thãi. Trời mùa hè, thu, ta có thể phơi quần áo ra nắng để quần áo vừa khô lại thơm. Nhưng những ngày trời không có nắng thì sao? Thì làm khô bằng gió cũng rất okay. Những ngày mùa đông thì sao? Khí hậu châu Âu rất khô, mùa đông lại bật lò sưởi liên tục nên chỉ cần phơi trong nhà cũng khô được. Cái này thì nhà nào ở châu Âu cũng làm rồi, vì tiền điện càng ngày càng tăng :)) Bác chủ nhà của mình ở Pháp còn chọn lò sưởi ở phòng nào máy chạy khoẻ mà tiêu thụ ít điện năng hơn, rồi phơi quần áo trong đó và đóng kín cửa. Sau một vài giờ đồng hồ là khô cong như lá mùa thu. Hoặc như note trước của mình, với đồ phải là lượt thì phơi một hai tiếng rồi là, thì cũng không cần máy sấy quần áo nữa. Vậy, sức máy hơn sức người, nhưng sức máy không phải là duy nhất ,mà còn có nhiều sức khác có thể tận dụng. 

3. Tiny but mighty
Một số bước chuẩn bị khác, tưởng rất nhỏ thôi, cũng góp phần tạo nên hiệu quả công việc. Ví dụ, mình bị dị ứng, đôi khi hơi cực đoan, là ai ăn xong đã mất công bỏ bát vào bồn rồi nhưng không xả một ít nước vào. Những người phải đi sau rửa bát mất thêm công và nước rửa bát để kì cọ vết bẩn đã khô, máy rửa bát cũng không thể rửa sạch được những vết nhỏ và quá cứng đầu. Vậy thì tiết kiệm lại thành ra không tiết kiệm. Ở các self-servie cafeteria, mình cũng để ý riêng dao dĩa, những thứ nhiều chi tiết nhỏ, bao giờ cũng phải bỏ vào chậu nước, chứ không bao giờ để khô. 

Ví dụ nữa là việc phải gột sơ qua vết bẩn với nước trước khi bỏ vào máy rửa bát, để sau đó không bị tắc máy và dọn rửa nhiều. Có thùng rác ngay trên kệ bếp để không tốn công quay đi quay lại, mở ra mở vào thùng rác. Có giẻ lau ngay dưới chân và trên kệ bếp, để mỡ bắn là lau ngay, tuyệt đối không để khi mỡ đã khô và cáu vào bề mặt. Nếu phải rửa bát bằng tay thì phải phân loại bát đĩa bẩn, và rửa từ đồ ít bẩn nhất (như cốc uống nước) rồi rửa dần đến đồ mỡ màng (như chảo). 

4. Tiết kiệm để bảo vệ môi trường
Nói chính xác hơn là tránh không để môi trường tệ hơn nữa :( Mảng này mình vẫn cần học hỏi nhiều lắm, vì đôi khi hơi vì tiện lợi mà mình lại qua loa cho xong. Đầu bảng là thói quen sử dụng nước đóng chai của mình, mà không dùng bình nước dùng nhiều lần. Bị lên án suốt nhưng chưa sửa được, hic.

Vài gạch đầu dòng mình nghĩ mình sẽ làm được:
- Phải để riêng rác bio để làm compost
- Dùng nắp đậy, hộp đậy thay cho màng bọc thực phẩm, túi ni lông trong tủ lạnh
- Thay thế nước rửa bát bằng một số mẹo như dùng dấm công nghiệp, chanh, thậm chí coca cola :D để giảm chất thải hoá học ra thiên nhiên
- Sử dụng ống hút thìa dĩa bằng tre (cái này tìm mãi ở châu Âu ko thấy, về Việt Nam năm tới chắc chắn phải mua vài bộ)
-  Dùng nước rửa rau thừa để tưới cây
- ... (sao ko nghĩ ra được nữa nhỉ :D)

Chắc kết bằng một câu chuyện không biết có liên quan không. Đấy là khi nhìn mẹ chồng mình cắt phăng phần thân của Broccolli vứt đi, ăn mỗi phần ngọn. Hay luộc thịt lấy nước dùng xong thì vứt xương vẫn còn rất nhiều thịt đi (điều này là hết sức bình thường ở các nước phương Tây thôi, và cũng là lựa chọn cá nhân). Nhưng mình lại nhớ đến cô mình và những người phụ nữ Việt Nam khác. Nếu là cô trong trường hợp trên, chắc chắn cô sẽ giữ lại phần thân broccolli, gọt vỏ, cắt khúc và luộc cùng, ăn ngọt có khác gì su hào đâu? Và phần thịt còn lại của xương, cô sẽ cẩn thận róc ra, băm nhỏ, trộn với trứng hành và rán thành trứng đúc thịt. Thịt sau khi đã luộc chín mà rán thì phải nói là thơm nức mũi. Chính sự nghèo khó khiến người Việt Nam nói riêng và dân những nước không giàu khác nói chung, biết cách chế biến và tận dụng hết mọi nguyên liệu để ra những món ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng (theo tiêu chuẩn của mình). Và cá nhân mình, thích như vậy và sẽ làm như vậy trong căn bếp của mình. Nhưng mình cũng hiểu là không thể ép chồng và gia đình chồng lấy xương cá nấu canh, hay ăn phần da hay mỡ được. Sống cùng gia đình khác biệt văn hoá là phải biết chấp nhận sự khác biệt. Nhưng hi vọng, mini Tigger và mini Bunny sẽ dễ tính giống mẹ :D





No comments:

Post a Comment