September 16, 2013

Câu chuyện số 8- Đợi chờ là hạnh phúc

Làm thế nào để rèn cho một em bé sơ sinh có thể ngủ một mạch xuyên đêm? Làm thế nào để các em bé không ăn vạ, mè nheo và làm những gì mình muốn?

Câu trả lời là: Sự chờ đợi.

Mình đang đọc quyển: "Dạy con kiểu Pháp" của Pamela Druckerman. Oke là hơi sớm nhưng đây là chủ đề gây sự tò mò với mình, và đã không hề hối hận khi chọn nó (trong khi hối hận khi xem The Great Gatsby :-) 

Cuốn sách là một sự so sánh giữa cách nuôi và dạy con kiểu Mỹ và kiểu Pháp. Nghe tả cách nuôi con kiểu Mỹ, tuy quy trình hơi khác nhưng ra cùng một kết quả giống cách nuôi con kiểu Việt Nam- các em bé sơ sinh hay dậy ăn đêm, làm bố mẹ tiều tụy, lớn hơn một chút thì hay đòi khóc, mè nheo- tuy chưa đc trải nghiệm nhưng đọc mà cũng nẫu cả ruột. Trong khi đó, bên Pháp thì các em bé tự ngủ ngoan sau 2 tháng (hoặc sớm hơn) và luôn vui vẻ, ngoan ngoãn, cho dù đòi hỏi không được đáp ứng. Hai câu chuyện đánh nhau chan chát, đẩy sự mâu thuẫn lên cao trào.

Bí mật xoay quanh sự chờ đợi. Khi nghe thấy tiếng ọ ẹ khóc của em bé sơ sinh, bố mẹ, thay vì lao đến ngay lập tức, hãy chờ đợi một chút, đủ để nhận ra tín hiệu em bé muốn nói là gì (muốn trả lời thì đầu tiên phải nghe câu hỏi đã). Thậm chí sau khi giải mã tín hiệu, nếu không phải điều cấp thiết, bố mẹ có thể để bé khóc và chờ một chút, để bé tự mình học cách chuyển sang giấc ngủ tiếp theo mà không cần bố mẹ phải bế lên thì mới ngủ tiếp được. Chỉ cần chờ đợi một chút thôi, là kết quả đã khác biệt rồi. Sao mà hay thế chứ lị !

Cũng vẫn là sự chờ đợi. Trong khi những em bé luôn được đáp ứng nhu cầu lập tức, sẽ dễ cáu kỉnh, tệ hơn là ăn vạ vào những lần sau, thì các em bé Pháp được bố mẹ rèn cho tính kiên nhẫn bằng việc nói "Không" một cách vừa phải và quan trọng hơn, họ không kìm hãm sự thỏa mãn, mà tạo cơ hội cho bé tìm ra niềm vui khi phải chờ đợi. Tác giả dẫn chứng thói quen làm bánh của người Pháp- họ không bao giờ ăn ngay sau khi nướng bánh xong, mà chờ đến giờ trà chiều hoặc bữa chính; và các em bé được hướng dẫn để tự làm bánh ngay từ khi còn rất nhỏ. Hai thói quen rất gắn liền với văn hóa này làm cho các em ý thức được sự chờ đợi và có thể tìm cách nào đó để tự quên đi sự thèm muốn của mình. 

Điều này được tác giả liên kết tới thí nghiệm "Marshmallow test" của Walter Mischel- cái video một thời gian các bạn rất thích share trên mạng, mô tả vẻ mặt đấu tranh với sự thèm muốn được ăn một cái kẹo dẻo của các bé, khi được dặn nếu không ăn sẽ được cho 2 cái. Kết quả của Mischel cho thấy em bé nào tự biết cách đánh lạc hướng mình như hát, chơi với tay hoặc chân... thì sẽ chế ngự được sự thèm muốn, còn em nào chỉ chăm chăm nhìn vào cái kẹo, sẽ ăn sau đó ít phút :-D Xa hơn nữa, Mischel vẫn tiếp tục quan sát và thấy rằng những em bé biết chờ đợi sau này lớn lên sẽ thành công hơn và quan trọng là "không bị suy sụp khi bị căng thẳng". 

Đấy, chỉ đơn giản là sự chờ đợi và cách chờ đợi thôi mà cũng có bí mật. Đọc xong mình nhớ tới câu chuyện chị Hiếu Ngô chia sẻ về cách rèn luyện và đối xử với các em bé có em nhỏ hơn, để tránh cảm giác bị ra rìa và ghen tị với em. Rồi lan man nghĩ tới cả thái độ khi xếp hàng, khi dừng đèn đỏ, khi tắc đường, thậm chí là trong sự nghiệp, tình yêu, khi không đạt được thứ mình muốn, khi căng thẳng, thất bại...

Mấu chốt cũng chỉ là sự vui vẻ bình tĩnh chờ đợi, rồi sẽ đến lượt mình.

P/s: Và trong lúc chờ đợi, ta có thể nghĩ ra những niềm vui khác, như là đi đọc nốt những chương còn lại của sách :-)

No comments:

Post a Comment