December 26, 2013

Những mảnh ghép (3)- Hội những người câu giờ chuyên nghiệp

Chính là lớp Đại học của mình. Câu giờ là hoạt động tập thể được yêu thích nhất, vừa vui lại vừa rèn luyện được tinh thần teamwork :D Còn chuyên nghiệp là vì có hẳn một đội ngũ tạp kĩ bài bản để không thầy cô giáo nào có thể cắt ngang show diễn mà chỉ ngậm ngùi ngồi chờ hết tiết :D




Đầu tiên, lớp trưởng Luân sẽ lên thay mặt cả lớp tặng quà và chúc điều gì đó tới thầy cô. Như thường lệ, anh ấy sẽ làm các cô phải che miệng còn cả lớp thì bò ra bàn mà cười bằng cái kiểu nói không thèm nghĩ (kiểu "em biết lòng cô bao la phải không cô") và bồi tiếng Anh tứ tung (Today...(nghĩ) là một dịp rất ... (ngập ngừng) special nên chúng em cũng có một... (cười bẽn lẽn) special gift to you). Mục đích của phần này là để làm phân tâm các cô, cười nhiều quá mà mất tỉnh táo vào bài. Trước khi về, anh ấy sẽ không quên bắt vào chương trình tạp kĩ bằng cách giới thiệu con Vân Anh "Le-lo-vo" (Lenovo) lên hát. 

Con Vân Anh có chất giọng cao ngút đại ngàn, lại còn đa tài nên bao giờ mỗi lần cũng phải chơi hai bài, một bài tiếng Tây và một bài dân ca và nhạc cổ truyền kiểu "Bà tôi" hay "Chuồn chuồn ớt" mà mỗi lần nó lên nốt Sí ở chữ "ỚT" mà quên không bỏ xa mic là cả lớp chết điếng cả người. Hát xong hai bài cao chót vót, nó xin cô về chỗ giữ giọng và tiếp tục giới thiệu hoặc mình hoặc Trinh lên chữa cháy chương trình. Thông thường, hai đứa mình chỉ hát xong rồi về, chả có mục đi kèm nên đúng mang nghĩa chữa cháy, chuyển tiếp chứ chả phải tiết mục đinh. Lúc này, các cô xô ghế đứng dậy, có ý định dừng để vào bài, là phải chọn một tiết mục phải vừa dài vừa đặc biệt để nối tiếp ngay. Không ai khác chính là "thầy" Lê.

Lê sẽ được cử lên đọc thơ Tố Hữu. Lần đầu, bọn mình thi nhau bụm miệng cười nhưng càng về sau càng thấy niềm đam mê của bạn ấy dành cho thơ mãnh liệt quá, đọc thơ cũng hay nữa, nên ai cũng thích. Nhớ nhất, trong một dịp câu giờ Văn học Anh thì phải, Lê lên đọc bài "Người con gái Việt Nam", bạn ý làm cô rưng rưng và chúng mình cũng xúc động lắm, ngồi nghe im re không vẫy đuôi. Ngoài thơ Tố Hữu, Lê đã từng học thuộc hết cả bộ truyện Kiều và lúc nào cũng sẵn sàng có thể đọc thơ, ngâm thơ. Khâm phục thật ý.

Không khí trong lớp có vẻ đã trầm xuống và đây là lúc hai người đàn ông của lớp thể hiện (chúng nó bảo đây mới là phần chính :D). Đầu tiên, để khởi động, ông Tuấn Anh sẽ rút từ trong cặp ra cây sáo thần chưởng, thổi thật lực cho nở phổi =)) Tuấn Anh thổi 2 bài mới bõ công mang sáo đi, chưa kể mấy bài thổi hỏng xin thổi lại, thế cũng là ối thời gian đấy! Tiếp đó, Luân chạy lên tiếp sức ngay, hát "Mùa đi ngang phố, nhưng phố không mùa nữa" (thề là nghe trăm lần rồi không hiểu câu đấy) hoặc mấy bài của Bằng Kiều cao chót vót. Buồn cười, cứ đến đoạn cao trào kiểu "dù NÚI rộng, dù SÔNG dài" là cậu bé xin hát lại =)) hát mãi không được mặt vô cùng sầu thảm, kiểu em thất bại rồi cô ạ, cả lớp thì bò ra cười. Kết bài bao giờ cũng là màn song ca của hai hốt boi, với signature pose của Luân là hai chân đứng tấn còn Tuấn Anh là mắt nhắm tịt phiêu linh, tay từ đằng sau hết mạnh lên không trung rồi giật cái bụp (mình toàn bắt chước lại để trêu nó và bị nó lườm cho rách mắt, há há). Buồn cười lắm hai ông lớp mình!

Những lúc câu giờ kiểu gameshow thi hát hoặc trò chơi thì phải nhắc tới Nhung- cô bạn sưu tập thiếp cưới mình cũng nhắc đến. Bạn ý sáng tạo và hài hước thật ý, rất đơn giản thôi nhưng nó cứ ấn tượng với mình. Có lần các bạn Tây đến lớp chơi, bạn ý nghĩ ra trò cho chúng nó tập đọc và hiểu nghĩa thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Đơn giản thế mà cũng cười đau cả bụng, và tụi Tây cũng rất enjoy. Hay như cái lần lớp tổ chức trò chơi trong lúc quỹ lớp nghèo nàn: "Chúc mừng bạn T được giải Nhất là ... một gói mì ăn liền. Và cũng nhiệt liệt chúc mừng bạn C. được giải Đặc biệt với phần thưởng là... gói gia vị trong gói mì của bạn T". Nhìn cái mặt cười xòa của nó lúc đấy và hai khuôn mặt thốn của 2 người được giải mà mình cười suốt trên đường về nhà. 

No comments:

Post a Comment