June 22, 2020

Why Germany? (p4)

Lối sống bền vững.
Tái chế và tái chế.
Suốt từ năm 2016 đến nay, nước Đức luôn đứng đầu thế giới về tỷ lệ tái chế rác thải (56.1%- 2019). Từ thùng rác công cộng đến hộ gia đình đều tuân thủ nghiêm ngặt việc phân loại rác (ít nhất) theo 5 loại: 

  • Thuỷ tinh (màu xanh lá cây)
  • Đồ bọc thực phẩm nhựa mà sạch (màu vàng)
  • Các loại giấy bìa hoặc giấy viết (màu xanh da trời)
  • Rác bẩn (màu đỏ)
  • Ở các hộ gia đình còn thêm cả rác bio hữu cơ, được tập trung để làm phân bón.  

Còn các loại rác cồng kềnh và đặc biệt như pin, bóng đèn, sắt, thép, xốp, gỗ thì cứ bình tĩnh đứng ở góc nhà cho đến khi nào đầy xe thì sẽ được trở đến một khu tập trung riêng nhé. Mình đã từng được đến đấy và há hốc cả mồm về sự phân loại đến... khó chịu của cái bãi rác đấy :))) Lại được phân ra hàng chục khu riêng, đi tìm mỏi cả mắt thì mới đến chỗ vứt cho đúng. 

Làm cách nào để hiệu quả như vậy? Ngoài việc người Đức tôn trọng pháp luật, yêu môi trường thì yếu tố thực tiễn là đánh vào kinh tế. Mỗi khi mua chai nước hay thuỷ tinh, mọi người đều bị charge thêm tiền chai và để nhận lại thì phải mang trả lại chai. Đơn giản là thế. Khi đem trả lại, bạn nhận được hời phết, tận 15 cents cho mỗi vỏ chai thì ai mà chả muốn mang đi trả lại chứ nhỉ? Mình thấy cách này siêu đơn giản mà siêu hiệu quả đấy. Tuy vậy, để làm được thì cần phải có sự đồng bộ của các doanh nghiệp hoặc sức ép/ ủng hộ từ chính phủ.

Hồi mình ở Pháp, bác chủ nhà rất bức xúc vụ này. Bác rất phiền lòng khi thấy rác thải nhựa ở Pháp quá nhiều mà các siêu thị mãi mới có hình thức thu lại chai để tái chế mà được đâu có 2 hay 5 cents/ vỏ chai. Vậy thì ai muốn mang trả? Bác hỏi vậy và cũng công nhận thấy đúng.

Một hành động rất nhỏ nữa cho thấy ý thức của người Đức là họ đều rửa sạch bình đựng trước khi vứt. Ví dụ một lọ sữa chua bằng nhựa chẳng hạn, nếu bạn không rửa thì nó sẽ được coi là rác bẩn và phải vứt vào thùng màu đỏ, nhưng nếu bạn chịu khó rửa sạch thì nó sẽ được phân loại vào rác vàng ngay và được tái chế. Ý thức là ở bạn!

Tiếp tục phương pháp đánh vào kinh tế, các siêu thị sẽ charge 10 cents cho một chiếc túi nilon nhỏ. Đắt vl! Thế nên mọi người tự giác mang túi vải/ xe kéo/ giỏ/ thùng giấy đi đựng đồ. Rất đơn giản thế thui! Dần dần thành thói quen. Một người nhập cư mới ở Đức 5 năm như mình bây giờ nhìn thấy rác ở đâu là đã có phản xạ muốn cầm ngay lên để bỏ vào thùng và phân loại :))) thì nói gì đến những người bản xứ? Cũng là dễ hiểu nếu người tiêu dùng dần sẽ chuyển sang ủng hộ những nhãn hàng cho phép tái chế và bài trừ dần những nhãn hàng không theo policy này. Người dân cũng được khuyến khích đi chợ nông sản, dù giá có đắt hơn chút nhưng đỡ khoản bao bì đóng gói giúp bảo vệ môi trường. Nói chung về tái chế thì bravo nước Đức cực kì!

Những giải pháp về năng lượng
Hỏi vì sao nước Đức cần điện nhiều là một câu hỏi rất thừa nhưng hỏi vì sao nước Đức đang đầu tư rất lớn cho các nguồn năng lượng tái tạo- những nguồn năng lượng được coi là "đắt đỏ" hơn những năng lượng không tái tạo như năng lượng hạt nhân thì câu trả lời không gì khác là vì một tương lai bền vững. 

Trong tất cả các nguồn năng lượng thì năng lượng hạt nhân là rẻ và hiệu quả nhất (sản xuất được nhiều điện trong thời gian ngắn nhất), nhưng sự ô nhiễm và nguy hiểm của nó đã khiến cho nước Đức đang phase out giải pháp này và chuẩn bị đóng cửa những nhà máy điện hạt nhân cuối cùng từ nay đến hết năm 2022.
Lần trước xem series Chernobyl mới thấy sự khủng khiếp của những vụ nổ nhà máy hạt nhân. Flo nói cho đến tận ngày hôm nay, tức là 34 năm sau sự kiện, tất cả những loại nấm và động vật khi săn bắn trong rừng ở Đức đều phải được test và cấp giấy chứng nhận không chất phóng xạ thì mới được cho buôn bán. Nên Flo không khỏi ngạc nhiên vì sao ở Fukushima và chính phủ Nhật lại tackle vụ nổ hạt nhân một cách nhẹ nhàng và dễ dàng thế. Chính phủ Đức cũng không ngừng lên án nước Nhật vì vẫn tiếp tục vận hành các nhà máy này, trong khi điều kiện đất nước thì lắm thiên tai nhiều động đất, nguy cơ nổ rất cao. Đến giờ, chú bé Flo vẫn xếp nước Nhật xa xôi lắm trong list các điểm đến =)) có phải hơi cẩn thận quá không nhỉ? 

Hiện nay, nước Đức khai thác điện lớn nhất từ nguồn hoá thạch (tại nhà cửa chả có gì ngoài than đá là chính), và tiếp sau đó là từ gió, mặt trời, và biomass. Đức là nước sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất châu Âu và thứ 4 trên thế giới (45.9GW- 2018), dù thật ra là ít nắng hơn các nước Nam Âu rất nhiều. Và có những dự án nhân tạo rất thông minh đang được pilot để chuẩn bị cho thời điểm Đức chuyển hoàn toàn sang năng lượng renewable. Ví dụ đơn cử như ở Đức và châu Âu nói chung rất ít thuỷ điện, nhưng họ có ý tưởng rất hay: Tối, khi nhu cầu điện xuống thấp, nước từ hồ sẽ được bơm lên bể chứa trên núi cao. Và sáng hôm sau, thì nước được chảy xuống để tạo điện. Hay nhỉ? =)))

Nước Đức yêu hoà bình, ghét chiến tranh =)))
Đức sẽ là nước cuối cùng trên thế giới ủng hộ các thể loại chiến tranh vũ khí, hay chiến tranh thương mại, hay các tranh chấp quốc tế. Dù Đức sản xuất vũ khí và hoàn toàn có thể nhờ buôn bán vũ khí mà giàu lên nữa, như nước Mỹ đã từng trong lịch sử chiến tranh thế giới thứ 2. Thế nhưng tại sao không?

Đức cũng là nước rất chịu khó đi giúp đỡ các nước khác trong liên minh châu Âu. Mình cũng luôn tự hỏi vì sao nước Đức- đầu tàu kinh tế châu Âu, phải kéo cả một lô xích xông các nước theo sau, thậm chí bù hay gánh nợ hộ mà vẫn ở đó chịu trận chứ không rút khỏi liên minh như Anh?

Thực tế mà nói, Đức làm như vậy vì để tốt cho Đức trước tiên. Đức là một nước xuất khẩu (năm 2019, Đức xuất khẩu 1327 tỷ euro và nhập khẩu 1104 tỷ euro, đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Mỹ) nên nói thẳng ra là các nước khác có hoà bình, ổn định, thì nước Đức mới có thể làm ăn. Hơn thế nữa, nước Đức làm vậy cũng là cho các nước khác. Các nước đứng một mình, dù có lớn đến mấy cũng không thể có tầm ảnh hưởng bằng cả một EU đứng cạnh nhau. Nếu nước Đức rút khỏi EU thì EU cũng yếu mà nước Đức cũng yếu đi thành hai con cá bé, quá dễ dàng cho Mỹ và TQ đến măm măm. Cán cân kinh tế thế giới sẽ bị lệch sang phần châu Á và châu Mỹ ngay. Nói đến đây lại thấy mấy anh như UK, Nauy, Thuỵ Sỹ hơi ích kỷ nhờ? Chỉ biết đến nước mình phát triển, không muốn dây dưa với ai -.- hoặc có bạn nào thông não cho mình -.-  

Đó là thực tế. Còn lãng mạn hơn chút là vì nước Đức rất ủng hộ con đường phát triển bền vững- các nước cùng tiến lên chứ không phải đạp các nước khác xuống để mình lên. Đó là lý do nước Đức rất chịu khó đi giúp các nước khác, không chỉ trong EU mà còn ngoài EU. Gây ảnh hưởng là một chuyện, nhưng hơn hết là khi các nước bớt nghèo cùng phát triển thì cũng sẽ bớt các vấn đề phải giải quyết hơn, tiết kiệm được nhiều nguồn lực ấy chứ. Điều đó cũng được phản ánh trong xã hội châu Âu với phúc lợi xã hội cao, nhiều hỗ trợ và giúp đỡ cho các đối tượng nghèo thì họ sẽ bớt phá phách, bớt bạo loạn, bớt nhiều các vấn đề xã hội cần giải quyết, support cho lợi ích lâu dài.

PS1: Vậy nên dễ hiểu vì sao mình chưa thấy ai ở Đức ủng hộ anh Đỗ Nam Trung cả =)) Họ nói anh Trung như một đứa trẻ con, hơi một tí là đạp đổ và phá hết, không biết cách ngồi vào đàm phán như người lớn, không biết nhìn xa nhìn rộng cho lợi ích lâu dài của nhiều nước khác và chính nước Mỹ. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Thế giới đang chơi cùng Tàu Khựa- một nước không giống ai. Nói một kiểu làm kiểu khác, một nước không chơi đúng luật, có nhiều chiêu trò, không minh bạch. Liệu cứ ngồi đàm phán mãi có nên chuyện? 

PS2: Lan man một tí nữa về trợ cấp xã hội. Tốt vừa chứ đừng tốt quá. Vì tốt quá lại gây ra ỉ lại và tạo ngược thành các vấn đề xã hội khác. Ví dụ: Trợ cấp xã hội ở Đức là tốt vừa, ở Pháp là tốt quá. Ở Đức, nhận trợ cấp vẫn phải bị bắt đi làm, không làm ít thì làm nhiều, không làm thì giảm trợ cấp. Đợt Corona vừa rồi, anh bạn Flo là chủ nhà hàng tất nhiên chả làm ăn gì được nên được nhận trợ cấp, nhưng vẫn bị bắt đến làm lunch và giao delivery, chứ không có chuyện ngồi không. Ở Pháp thì dịch nổ ra cái, bạn mình được ở nhà luôn, không làm và vẫn nhận trợ cấp. Mình nghĩ thầm chứ dễ thế thì thảo nào người Pháp quen sướng rồi, khổ sẽ không chịu được. Nhận trợ cấp ít? Biểu tình bạo loạn. Bị bắt đi làm trở lại? Biểu tình bạo loạn, too. Biết vừa đủ mới là khó nè!

Liệu có phần 5 không nhỉ? =))))
  


















No comments:

Post a Comment