May 31, 2017

Italia- một giấc mơ châu âu (1)

*) Fast facts
- Time: 24/5-27/05/2017
- Place: Hồ Movelno, Trento, Gardagna, khu vực hồ Garda (Riva del Garda, Tremosine- Limone, hồ Lago, Tremalzo), Verona, Timmelsjoch
- Bạn đồng hành: Tigger Man


"Siamo una sola cosa ormai
L'ardore che è in noi
Ci basta per sapere ora
Non c'è niente oltre noi
Guidaci, nell'alba del mondo
..."

Giấc mơ châu Âu của mình được nuôi dưỡng qua hàng chục bài hát IL DIVO tiếng Ý, Tây Ban Nha mà mình không hiểu lời nhưng vẫn thuộc lòng hát theo, hàng trăm bức ảnh trên art.com ngắm hàng ngày trên máy tính, những bức ảnh ngắm đi ngắm lại, những bài blog đọc đi đọc lại của các "thần tượng" là các anh chị du học sinh. Cảm ơn cuộc sống đã dẫn lối cho mình được đặt chân đến những miền đất mà mình đã hằng mơ ước. Lần này là Ý, nơi đã làm sống dậy giấc mơ của mình ở mọi giác quan.

Hoa. Ô cửa sổ cũ. Ăng-ten. Và những mái nhà.
"Hoa cuống quýt nở tràn ra cả lối đi", chị Giáng Uyên tả hoa xứ châu Âu đáng yêu như thế đấy. Điều này đặc biệt đúng ở Ý. Trên mỗi cái ban công sắt uốn lượn cong cong nào cũng treo những giỏ hoa màu sặc sỡ, nổi bật như đỏ, hồng, tím sẫm, tím nhạt trên nền tường và những con đường lát đá. Nhưng ấn tượng với mình nhất là những giàn hoa star jasmine. Lúc hai đứa đang nắm tay đi lững thững trên một con đường lát đá ở Trento, một cơn gió nhẹ bay qua lẫn với mùi hương nghe như mùi hoa dạ hương thảo, mình reo lên: "trời ơi, thơm quá". Mình vội buông tay anh, bắt đầu đi hít hít ngửi ngửi để tìm ra hương thơm đó từ đâu. Quay trái quay phải đằng sau một hồi thì thấy còn mỗi một giàn hoa trắng muốt đứng khiêm tốn ở góc phố. Con thỏ bèn nhảy lại gần, cúi đầu dò la, dí cái mũi tẹt vào một khóm để hít hít ngửi ngửi. Hoá ra là chính nàng. Nhưng kì lạ là khi dí mũi ngửi thì chỉ thấy thơm nhẹ, mà càng đi xa mới lại càng thấy thơm ngọt ngào hơn. Hoa gì bé mà tài xinh vậy em? Em nhỏ nhắn mà vẫn quyến rũ, kéo người ta lại gần rồi lại giấu mình trở nên bí ẩn vậy? Rồi từ hôm đó, ta để ý đến em hoa này hơn. Bởi em ý bé xinh, thơm ngát và hơn cả là đi đâu cũng gặp: Lấp ló ở quán cà phê góc phố cổ, hay mọc một dàn trắng muốt cả mái nhà và hàng rào nhà dân. Vậy mà mình chưa thấy sách du kí hay anh chị nào viết về loài hoa này? Thế lại càng đặc biệt, em Star Jasmine này sẽ là một phần nước Ý trong mình <3

Có thể bị ấn tượng bởi nhiều phim Pháp quá nhưng mình thích những mái nhà có ăng-ten bên cạnh ống khói trên những mái nhà màu đỏ lẫn nâu, và cả những ô cửa sổ cũ. Pháp thì có liên quan gì đến Ý? Vì nó giống Ý và khác Đức. Ở Đức người dân vốn tính chỉn chu, có cả luật phải lau cửa sổ và giữ cửa sổ sạch sẽ sáng bóng (chết mất), nhà cửa thì được trùng tu thường xuyên nên lúc nào cũng hiện đại và mới. Khó mà tìm một cửa sổ nhà dân nào bị sứt hay bạc màu. Nhưng mình quan sát thấy nhà cửa ở Ý trông có vẻ cũ kĩ dù ngó vào bên trong vẫn thấy hiện đại. Có thể họ cũng là người hoài cổ như mình yêu thích những điều xưa cũ? Có thể họ không sửa sang vì... lười, thích vui chơi ca hát nhiều hơn? Dù lý do gì cũng vẫn chấp nhận được hết. Yêu rồi mà! Mình thích nghe cả tiếng radio xen lẫn tiếng người nói như cãi nhau :D như một buổi trưa hè lạc ở Gardagna, một vùng trồng nho trên núi miền Bắc nước Ý, chúng mình đi dạo quanh làng và nghe thấy một bài hát đệm guitar từ radio vang ra từ một ban công đầy hoa, sang một nhà khác lại nghe thấy tiếng hai người bàn luận sôi nổi gì mà như cãi nhau. Thật là Ý đi mà!

Những khu vườn.
Vườn cây ô liu ở Tremosine lá xanh bạc, quả nhỏ xíu phải tinh mắt mới nhìn ra. Vườn nho trồng đều tăm tắp ở vùng Trento, lá cây rung rinh mỗi lần gió lùa qua. Đặc biệt là vườn cam chanh ở Limone quả mọc trĩu cành xum xuê đến nỗi rụng không ai thèm nhặt. Thiên nhiên ưu ái người nông dân xứ này quá. Nhiều nắng, nhiều gió, và tưới tắm bằng nước sông mát lạnh của dòng Adige chảy qua một loạt tỉnh phía Bắc nước Ý.

Lại nhớ linh tinh. Nhớ trải nghiệm đi hái nho kiếm thêm tiền đi du lịch của các anh chị sinh viên, một công việc nghe thì lãng mạn mà lâu dần cũng thành ác mộng. Nhớ thêm những bức hình trên post cards luôn có thêm một chùm chanh vàng hay chi tiết chùm tranh cũng xuất hiện trên một chiếc đĩa ăn trong một cửa hàng. Nhớ thêm cả vị ngọt gắt nhưng thơm không để đâu cho hết của một ly Lemoncello được người bồi bàn cho uống thử.

Những khám phá mới về ẩm thực
Chắc mọi người đã nghe quá nhàm tai những pizza, pasta, và parma ham của nước Ý. Bản thân mình cũng vậy và thậm chí chiếc pizza ngon nhất mình từng được ăn cũng không phải ở Ý. Mình giữ một tâm hồn công tâm nhất khi đi ăn uống ở đây ^^ và món mình ấn tượng nhất là... trứng luộc.

Bữa sáng nào của mình cũng mở đầu bằng trứng luộc (ô kê, hơi nhiều). Trứng nhỏ xinh, nằm gọn trong lòng một bàn tay em bé và đặc biệt là lòng đỏ trứng rất vàng, vàng sậm đến hơi ngả màu cam, nhìn rất đẹp mắt. Đem ấn tượng này kể cho Flo, bạn ấy giải thích là người ta cho gà ăn thêm một loại đồ ăn nào đó có màu cam, để lòng đỏ trứng ra được màu như vậy. Điều này hoàn toàn không độc hại gì nhưng bị cấm ở Đức vì trái với quy luật tự nhiên. Thôi, em thì chẳng quan tâm đến luật nhà các bác lắm, cứ đẹp mắt và ngon miệng là em thích. Hơn thế nữa, lòng đỏ đỏ còn ảnh hưởng tới màu sắc của bánh ở Ý. Các bạn sẽ thấy bánh có màu vàng sậm nhờ có lòng đỏ trứng vàng hơn bình thường. Người Ý cũng rất thích những bữa sáng toàn đồ ngọt: hai chiếc bánh sừng trâu phun kem và một ly cappucino. Khỏi phải nói, mình đánh vật với bữa sáng như vậy vì mình là động vật ăn (siêu nhiều) thịt. Nhưng cảm giác ngồi trong một quán cà phê ở Ý, nhìn toàn người địa phương vào quán, tay cầm báo, tay kia giơ hiệu chào, nở nụ cười hớn hở, chỉ trỏ hai chiếc bánh ngọt và một ly cà phê rồi ngồi nhâm nhi bữa sáng. Thôi, bụng đói nhưng mà cũng đáng! :-)

Hơn nữa, người Ý thích ăn vị hạt dẻ cười (pistachio) cực kì. Đây là vị mình cực kì yêu thích, đặc biệt là trong kem. Ở Đức thì ăn may, có hàng có, có hàng không. Nhưng ở Ý thì hàng nào cũng có, thậm chí còn có bánh sừng trâu phun kem vị hạt dẻ cười, bánh ngọt vị hạt dẻ cười... Riêng khoản này, mình và người Ý đập tay cái bộp!

Ảnh: Bánh sừng trâu phun kem vị pistachio và một ly cappuccino cho bữa sáng cuối cùng của chuyến đi ở Verona.





No comments:

Post a Comment