May 25, 2018

6 tháng ở Paris (p2)- Làm việc kiểu Pháp

"Này, đừng có đến sớm thế chứ? Thực tập gì mà 8 rưỡi đã đến rồi!"
"Này, đừng có đến là chúi đầu vào làm việc thế chứ! Phải hỏi thăm nói chuyện với đồng nghiệp rồi sau 9h hẵng làm chứ!"
Nghe cứ như đùa, nhưng mà là thật! 

Giờ giấc đi làm ở Pháp
Trong tháng đầu tiên, lịch của mình là: 6 rưỡi dậy ăn sáng (ngày nào cũng ăn oats hoặc nuts với sữa đậu nành, cộng thêm quả bơ, healthy không để đâu cho hết), 7h đi đánh răng và chuẩn bị, 7h34 ra khỏi nhà, đón chuyến bus lúc 7h40, đi tàu- metro và có mặt ở cơ quan lúc 8h24'. Ngày nào cũng như ngày nào. Bao giờ mình cũng đến sớm nhì, sớm nhất là sếp HR vùng Pháp, ngồi ngay sau mình, chú ấy phải đến sớm chuẩn bị để 9h là vào họp. Hai chú cháu chào hỏi mấy câu, thỉnh thoảng chú ấy lại ra bàn mình trò chuyện về Munich, về nước Pháp, về nước Đức. Rồi sau đó là một chị người Đức đến tiếp theo, khoảng 8h40. Và từ 9h trở đi là sếp mình và mọi người bắt đầu đến. Thỉnh thoảng lắm mới có ngày mình đến muộn hơn sếp (vì metro hoặc tàu hỏng), là y như rằng sếp sẽ reo lên bảo "Hôm nay, tao đến sớm hơn cái Ngọc". 

Thế rồi, sau một tháng, mình bị bạn HRBP "cảnh cáo" vì đến sớm quá và làm việc thừa giờ (intern được làm có 7 tiếng). Mình cãi là thế là có sớm đâu, hơn sếp có nửa tiếng, đủ để check email và đọc trước một chút thông tin. Nhưng bạn ý nói cũng có lý, rằng chủ yếu các đầu công việc và cuộc họp sẽ diễn ra tầm giờ chiều, nên đến sớm và bị thừa giờ thì sếp của mình sẽ bị mắng. Cộng với việc, chú sếp người Pháp kia biết mình hay đến sớm và ở lại muộn nên cũng hay ý kiến với sếp mình. Cộng thêm nữa với việc, việc ăn sáng quá sớm khiến tầm 9 rưỡi là cái dạ dày yêu vấu của mình lên cơn đói. Cộng cả 3 yếu tố lại, mình đã thay đổi lịch làm việc bựa như sau:

7h dậy, nằm nhắn tin với Flo đến 7 rưỡi, đánh răng rửa mặt và chuẩn bị (kết hợp xem vlog hoặc nghe podcast), 8h ra khỏi nhà để bắt bus lúc 8h07'. Đến công ty lúc 9h, chuẩn bị một cái mini brioche, hoặc madeleine, hoặc croissant (dạng đồ ăn processed công nghiệp), để ăn sáng và uống sữa mang theo, và bắt đầu làm việc. Vậy là từ dậy sớm và ăn uống healthy, Ngọc đã trở thành người dậy muộn và ăn đồ công nghiệp. Hừm!

Nhìn chung, người Pháp đến công ty trong khoảng từ 9h- 9h30' (có những người đến sớm- chủ yếu là managers, và thể loại đến quá muộn chầy bửa 11h mới đến cũng ko thiếu). Mình không biết so với các nước khác thế nào chứ so với người Đức như thế là quá muộn (đa số bắt đầu lúc 7h30', một số trường hợp cá biệt nhà gần hoặc có con nhỏ thì còn bắt đầu làm từ... 6h sáng, để được về sớm đón con). Người Pháp làm dàn đều 8-9 tiếng, năm ngày một tuần, đi làm muộn và ở lại muộn. Người Đức làm 9-10 tiếng trong bốn ngày đầu, và ngày thứ Sáu chỉ làm đến 1-2h chiều, họ sẽ về sớm để enjoy 2.5 ngày cuối tuần. Sự khác nhau này là tiền đề (or có thể là hệ quả) của nếp sinh hoạt hai quốc gia. Cụ thể:

Cà phê và giờ ăn trưa
Ở đâu cũng thế, một ngày làm việc không thể bắt đầu nếu không có cà phê. Thông thường, các chị sếp team mình sẽ hò cả team xuống đi cà phê Starbucks dưới sảnh (công ty có hỗ trợ :D), rảnh thì ngồi lại nửa tiếng, vội thì xuống mua rồi lại đi lên. Rủ nhau đi cà phê cũng là cách để đồng nghiệp gặp nhau và trò chuyện ngoài giờ làm. Giờ cao điểm mà căng tin đông nhất là 10h sáng, sau giờ ăn trưa, và 3-4h chiều. Cả công ty nô nức đi cà phê cà pháo. Thế nên tháng đầu tiên, mình đến mà cứ chúi mặt vào làm việc là bị chỉnh ngay, chú sếp HR vùng Pháp là người nói với mình như thế, rằng thì mà là làm gì thì cũng phải chào hỏi đồng nghiệp rồi cà phê cà pháo đã chứ. Mình cũng dần quen và khá thích văn hoá cà phê ba buổi này :D dù sao cũng là short breaks và chém gió xD. Dù không uống cà phê mấy, mình hoà nhập văn hoá với một cốc nước cam hoặc buổi chiều thì là socola nóng, bị một chị trêu là kids' menu :D

Và giờ ăn trưa. Ở Đức: bánh mì kẹp ăn ngay tại bàn làm việc, xịn lắm là xuống căng-tin ăn một món nóng (duy nhất maincourse). Chứ ai điệu đàng như ở xứ này, ăn trưa phải tiếng rưỡi (intern quèn chỉ được 1 tiếng thôi ạ), và phải đầy đủ 3 courses mới chịu (thêm pho-mát nữa là 4 courses). Xịn ở xứ này là không ăn ở căng-tin mà hẹn hò đồng nghiệp đi ra ăn ngoài, cũng vẫn đủ menu 3 course, rồi lại thong dong đi về làm việc lại sau gần 2 tiếng. Mà đã ăn là phải thanh cảnh, chậm rãi cho đồ ăn còn tiêu, dạ dày còn được nghỉ ngơi. Như cà phê, đây cũng là thời gian để gặp gỡ riêng đồng nghiệp. Cứ tầm 12h trưa là sảnh dưới lại kín người chờ nhau cùng đi ăn trưa. Lúc đầu mình nghĩ mời đi ăn trưa còn phải hẹn lịch trước cả tuần cứ kì kì, nhưng rồi cũng quen. Có hẳn một bài báo về tâm lý nói người ta biết rất nhiều về nhau qua bữa ăn trưa. Hội intern và apperantice thỉnh thoảng cũng tổ chức lunch cùng nhau, ngồi kín hai dãy bàn lớn, hoặc trời đẹp thì ra công viên gần đó cắm trại cũng rất vui. Tóm lại, giờ ăn trưa rất quan trọng với người Pháp dù là trong môi trường công việc, là thời gian để social networking, và cũng là thời gian để hưởng thụ cuộc sống.

Thursday afterwork
Thật ra mình nghĩ cái này ở đâu cũng thế thôi, nhưng tại lần đầu đi làm official nên mình ghi vào đây. Tức là với logics: từ thứ Sáu đến cuối tuần là thời gian dành cho gia đình, nên chiều thứ Năm là thời gian dành riêng cho đồng nghiệp. Người ta sẽ tụ tập sau giờ làm, cùng đồng nghiệp đi uống cocktails ở một bar nào đó. Rất nhiều bar có offer cho nhóm vào chiều thứ Năm, và thường sáng thứ Sáu ai cũng sẽ đến muộn hơn chút :D 

Homeworking
Cái này tuỳ policy của công ty nhưng ở chỗ mình, thứ Tư hoặc thứ Sáu là hai ngày dành cho những senior executives homeworking (or tiếng pháp là teletravail- làm việc từ xa). Vì vậy, cứ thứ Tư và thứ Sáu là office vắng hoe. Vì sao là thứ Tư? Ở Pháp, cứ thứ Tư là trẻ con, tất cả các trường, đều học có nửa buổi nên các bố mẹ sẽ ưu tiên homeworking ngày này. Theo phỏng vấn chớp nhoáng của phóng viên Ngọ Heng thì ai cũng thích cái work-life balance policy này. Thứ nhất, làm việc tập trung hơn, không có đồng nghiệp gọi đi cà phê hay thỉnh thoảng nhảy ra bàn phá rối :)) Thứ hai, việc dậy là lao vào bàn làm việc ngay rất productive, tiết kiệm thời gian make-up và đi đến công ty. Thứ ba, làm việc xong chỉ việc gập laptop là có thể đi chơi hoặc đi đón con ngay được. Vậy là either bạn có một "break" giữa tuần (thứ Tư), hoặc có cảm giác có tận 3 ngày cuối tuần (thứ Sáu), đều rất beneficial và cảm giác một tuần làm việc trôi qua bớt nặng nề. Nice idea!

Văn hoá "ça va?"
Không chỉ có lúc làm việc mà đi đâu cũng thế thôi, ai gặp nhau cũng sẽ mở đầu bằng đoạn hội thoại này:
A: Bonjour/ Salut! Ça va? 
B: Oui, ça va. Et toi?
A: Ça va, merci. 

Xin chào, bạn có khoẻ không, tôi khoẻ, còn bạn? tôi cũng khoẻ, cảm ơn. Thuộc lòng như cháo chảy, 10 hội thoại thì 9.9 cái như một. Ban đầu, mình thỏ non ngây thơ, còn mất công "Uh thì mà là, hôm nay tớ cũng ok, nhưng mà thời tiết khó chịu quá". Sau khi biết đó chỉ là xã giao, mình không mất công "đầu tư" vào câu trả lời nữa. Có những trường hợp còn lame đến nỗi, mồm thì hỏi mà người thì cứ đi, còn không thèm dừng lại để nghe trả lời hay quan tâm nữa. Mình rất là thiếu thiện cảm với thói quen siêu xã giao không cần thiết này của người Pháp. Bản thân một số người Pháp cũng thừa nhận không thích, nhưng biết làm sao khi nó đã làm một phần trong văn hoá? 

Nhưng bù lại, cũng có những kiểu xã giao khá là đáng yêu, ví dụ như khi đi chung thang máy. Khi bước vào, mọi người luôn nhìn và chào nhau. Khi đi ra, ai đi ra trước cũng luôn chào "Bonne journée" (Have a good day) hoặc là "Bon après-midi" (Have a good afternoon!). Cái này ngắn gọn và thân thiện, mình thích!

CDD/ CDI, intern và apperenticeship 
Trước khi đến Pháp, mình cứ tưởng các nước, đặc biệt trong khối châu Âu, vận hành giống nhau. Nhưng thật ra là không phải. Nền giáo dục khác biệt khiến hệ thống việc làm cũng khác luôn. 

Ở Pháp, là sinh viên có hai lựa chọn: Một là làm intern- thực tập, làm việc full-time; hoặc là trở thành apperentice- học việc, làm việc 2 ngày, còn lại đi học, công ty trả tiền học phí cho, nghe rất hấp dẫn, nhưng bù lại, apply cũng rất cạnh tranh, và không phải chương trình học nào cũng có apperenticeship. Các công ty đều rất interested với hai loại hình này vì họ vừa tiết kiệm được tiền thuế (nếu run các chương trình apperenticeship), hoặc lại có nhân công cấp cao fulltime giá rẻ (chính là các intern xD). Ngược lại, sinh viên vừa học được nhiều lại vừa có cơ hội (dù cũng dựa vào may mắn) được ở lại làm việc cho công ty. Vậy là win-win! 

Ở Đức cũng có chương trình tương tự như apperenticeship nhưng không nhiều, chủ yếu là dành cho các ngành máy móc và thợ. Nên chủ yếu là internship. Intern ở Đức không được "chiều" như ở Pháp- Công ty hỗ trợ tiền ăn này, nửa tiền đi lại này, trả cũng oke nữa, hình như (hình như thôi) là không có unpaid internship. Còn ở Đức thì sinh viên có vẻ trầy trật hơn, trừ khi chen chân được vào các công ty lớn như BMW hay Allianz, còn lại thì tự lo hết hoặc thậm chí còn làm không lương. Hừm!

Oke, thực tập và học việc xong xuôi, đến màn xin việc. CDD là đặc sản của Pháp mà mình nghĩ Đức ko có. CDD là hợp đồng chính thức nhưng ngắn hạn. "Ngắn hạn" theo cách hiểu của mình là 6 tháng, nhưng thật ra có CDD chỉ kéo dài vỏn vẹn trong có... 6 tuần. Ngược lại với đó là CDI, là hợp đồng chính thức dài hạn, mái mái :D Cái này thì ở đâu cũng khó lòi ra rồi, nhất là trong bối cảnh các nước đang tỉ lệ thất nghiệp dài dài, kể cả cho người bản địa. Thế nên mình rất ngưỡng mộ các bạn người Việt nào kiếm được hợp đồng chính thức dài hạn luôn. Quay lại với đặc sản CDD, vậy nên cuộc sống nay đây mai đó ở Pháp khá là phổ biến và họ quen với việc này (là mình mình sẽ thấy rất bấp bênh nếu chỉ được CDD, kể cả trong 1 năm)...

Thật ra nghĩ vẫn còn chủ đề biểu tình, labor union ở Pháp nữa, nhưng thôi lan man quá tự dừng bút!

Phần tiếp theo: Những người bạn ở Padi của tui 

Ps: Có ai theo được đến tận đây và đang đọc những dòng này???











No comments:

Post a Comment