January 10, 2013

Tuổi trẻ đi đâu?

Giờ ELT hôm nay, bạn hỏi "mày có sưu tầm cái gì không?", trả lời "trước thì có, giờ thì không". Trả lời xong cũng tự thấy mình nhạt nhẽo. Ngồi nghe bạn kể về bộ sưu tập thiệp cưới của bạn mà không chớp mắt. Môi bạn cười, ánh mắt bạn rạng rỡ niềm vui từ một điều giản dị nhưng mạnh mẽ, là đam mê.

Cấp ba chắc là thời gian mơ mộng nhất của mình. Hình ảnh Paris và một châu Âu tráng lệ, cổ kính cứ xuất hiện trong những giấc mơ hàng ngày. Những phim có tiếng Pháp, phim về nước Pháp, phim làm ở Pháp cứ bật xem đi xem lại vào mỗi giờ ăn trưa. Máy tính đầy một folder toàn tranh và ảnh về khắp nơi ở Pháp, thỉnh thoảng lại cặm cụi in in, cắt cắt, dán dán nên từ tủ, sổ, hộp bút, vở, đâu đâu cũng sừng sững cái tháp Eiffel và mấy câu tiếng Pháp học lỏm được. Mỗi lần qua hiệu sách nhìn thấy có sách du kí châu Âu là bụng lại đau quặn lại_ cảm giác thích đến mức hồi hộp và cần phải có nó ngay lập tức. 

Không chỉ mơ, lúc đó nếu thực sự muốn gì là dám làm. Muốn đi làm, lại thích đồ ăn nên mình đã tự xông vào L'space Xuân Diệu gặp ngay bác chủ rồi đề nghị làm phụ việc không lương. Những bữa ăn vội vàng cho kịp giờ làm, tối hè về muộn đôi lúc cũng tủi thân, nhưng vẫn háo hức mỗi ngày đến để được nói tiếng Anh, lúc không có khách chẳng bao giờ mình đứng không mà đi ngắm nghía những giá đồ và nhớ những cái tên Tây nghe rất thú vị, quen biết các anh chị bán hàng cùng, những vị khách nổi tiếng có, giàu có có, tốt bụng có, cáu kỉnh có, rất là đáng nhớ. Rồi thấy một quyển sách về châu Âu trong thư viện lâu đã không còn xuất bản, mình tìm hẳn đến nhà xuất bản xin số của nhà văn Nguyễn Đắc Như, chả nhớ khẩn thiết thế nào mà hẹn được cả bác ý ra gặp mặt cà phê ở Paris Deli, nghe bác kể chuyện rồi được bác tặng sách cho. 

Bây giờ. Ảnh trong máy tính đã xóa để lấy chỗ dồn bộ nhớ, tranh ảnh, bìa đĩa một thời giữ cũng đã đóng thùng, mình mắc kẹt trong cái bằng Kinh tế, lại đi học tiếng TBN rởm và còn đang mơ hồ dự định tiếng Đức... những quyết định cứ xa dần với ước mơ xinh đẹp. Và nhất là cái gan dám nghĩ dám làm đã để quên ở đâu đó trong quá khứ, nhường chỗ cho những suy nghĩ, những quyết định của người được coi là người lớn. "Chín chắn" và "khôn ngoan" quá làm con người ta trở nên thận trọng đến nhút nhát, nguyên tắc đến nhạt nhẽo. 

Theo mình, người Mỹ là người mơ ước nhiều nhất thế giới. Từ "American dream" có mặt trong tất cả những bài nói về belief & values của văn hóa Mỹ và là một trong những nét văn hóa mình thích nhất. Mỗi người chỉ có một cuộc sống để sống và ước mơ và biến ước mơ thành sự thật sẽ làm cuộc sống ấy trọn vẹn. Một loạt reality show tìm kiếm tài năng tự do cũng là cơ hội để người Mỹ biến ước mơ thành sự thật. Xem họ tự tin, họ cháy hết mình, họ khóc trong niềm vui mà mình cũng không kìm được xúc động. Ở mọi lứa tuổi, khi còn mơ ước thì chẳng có gì là muộn cả. Đừng chúc ước mơ thành sự thật vội, phải chúc người ta có ước mơ cái đã.

22 tuổi. Tự hỏi hình ảnh của mình hiện tại có giống với hình ảnh mà 10 năm trước, hồi 12 tuổi mình hình dung đến hay không? 

No comments:

Post a Comment