May 29, 2013

Câu chuyện số 7- Đánh vần

Hôm qua vừa đọc được một kinh nghiệm dạy các em bé nhỏ tuổi học các tiếng Latin bằng cách đánh vần của chị Hiếu Ngô rất là hay. Chợt nhớ đến em Bống.

Bống bắt đầu học mình khi học lớp 2- viết và đánh vần tiếng Việt mới bắt đầu thành thạo, chứ chưa nói đến tiếng Anh. Suốt 1 năm đầu, mình tự dạy em, không theo sách nào cả. Ai từng dạy các em nhỏ tuổi thì biết, khó vô cùng là khó. Thứ nhất là cách giải thích, phải cực kì đơn giản và ngộ nghĩnh, nói chung là khác hẳn cách bình thường. Thứ hai là chữ viết, phải phân biệt rõ ràng chữ thường, chữ hoa, thậm chí là mình phải viết theo kiểu móc nối quen thuộc của các em ý, không là hỏng hết chữ. Khó nữa là Bống không dễ dụ như Ki Bông, vì cá tính không dễ nắm bắt: Vẽ không thích, ngại tô màu, hát thì thích vừa vừa nhưng lại ngượng. Mình áp dụng trình tự nghe-nói-đọc-viết đúng quy luật học ngoại ngữ cho em nhưng không ổn. Em không phải là người nhớ tốt bằng âm thanh, hay hình ảnh. Tóm lại là sau gần 2 tháng học chật vật mình mới tìm được một điểm sáng.

Mình quan sát thấy Bống nhận mặt chữ và đánh vần rất giỏi nhờ một lần đọc truyện cho cả nhà nghe. Em đọc to, tự tin và hầu như không ngắc ngứ. Học ở lớp đã đành, nhưng mình cảm nhận thấy đó cũng là một năng khiếu của Bống. Thế là mình áp dụng kiểu Flash Cards, tức là đọc cho em nghe từ mới, rồi cho nhìn chữ luôn, tự Bống viết từ đó ra một mặt tờ giấy và vẽ hình minh họa ra mặt sau, rồi đọc lại từ chính chữ mình viết. Và mình lại quan sát thấy em đọc đúng nhiều hơn khi được nhìn thấy mặt chữ, thay vì nhìn thấy hình vẽ minh họa. Tèn ten, thế là cứ thế mà làm thôi. Kết quả là Bống nhớ cách đọc nhanh hơn, đọc đúng nhiều hơn vì em tự ghép các chữ cái và vần, đọc cả ending sounds rất đầy đủ, và thậm chí nhớ cả cách viết vì "dịch" lại từ cách đọc ra, chứ không phải vì "học vẹt" mà nhớ cách viết. Lúc đó, đơn thuần mình chỉ nghĩ đó là cách học hiệu quả dành cho Bống, không ngờ nó còn là một phương pháp rất khoa học.


Em bé nhà chị Hiếu Ngô thậm chí mới còn 3 tuổi. Ở những tuổi bé như vậy và thậm chí lớp 1, lớp 2, ai cũng nghĩ là còn quá sớm để dạy ghép vần bằng tiếng Anh, nên chủ yếu là cho học vẹt như các trường mầm non bây giờ ý. Có một bài dịch từ sách Nhật gần đây nói là trẻ em học tốt nhất từ độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi mà lại bị ngó lơ giai đoạn này vì bị nghĩ là còn quá bé. Từ những sách vở khoa học thu thập được và chính thành công của chị Hiếu Ngô, chị nói đánh vần đã được chứng minh là cách học ngôn ngữ tốt nhất (dành cho các ngôn ngữ hệ Latin, không phải các hệ chữ tượng hình) và còn tránh hiện tượng ghép vần ngược của các em bé khi tách âm và vần. Mình thấy hay quá đi mất. Ai có em nhỏ cũng nên áp dụng phương pháp này, kết hợp với những sở thích của các em. Đọc những chia sẻ của các bà mẹ hiện đại về việc dạy các em bé một cách khoa học làm mình có thêm phương pháp với các bạn nhỏ (còn các bạn to vẫn bó tay, thế này khó mà thành Ngọ Heng chuyên IELTS mà Mỹ hay trêu rồi haha)


P/S: Từ khi chuyển sang dạy Bống bằng sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3, cả cô cả trò đều nản hẳn. Cả 5 units đầu đều xoay quanh chào hỏi, thỉnh thoảng có những từ chưa cần học như Which, chưa kể listening bật lên 1 giây là muốn tắt đài luôn, bài tập cũng xoáy nữa. Thà học không sách vở còn vui hơn. Nhưng ai lại thế, đành phải nghĩ tiếp vậy. Haizzz


No comments:

Post a Comment